Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Thiếu axit amin có thể là thủ phạm khiến trẻ bị còi cọc

Gần 1/4 trẻ em trên thế giới có thể
cần thêm đạm để cải thiện tăng trưởng. 
Nghiên cứu của Mỹ công bố trên tạp chí EbioMedicine ngày 19/02 cho thấy phần lớn trẻ em tăng trưởng 'còi cọc' bị thiếu hụt đáng kể toàn bộ 9 axit amin thiết yếu cho sự sống. Nguyên nhân có thể là do các bé chưa được cung cấp đủ axit amin trong khẩu phần ăn. Phát hiện mới này làm đảo ngược quan điểm đang được chấp nhận rộng rãi và có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng toàn cầu. 








Trên toàn thế giới, tính trung bình khoảng 25% trẻ em dưới 5 tuổi được đánh giá là phát triển còi cọc. Các trẻ này có chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, là biểu hiện của suy dinh dưỡng mạn tính. Tỷ lệ trẻ còi cọc lên tới 36% ở châu Á và 56% ở châu Phi. Cho tới nay, các chuyên gia vẫn tỏ ra bất lực trong việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này. Việc bổ sung các thực phẩm giàu lipit và vi chất rất ít hiệu quả hoặc hầu như không có tác dụng làm giảm tỷ lệ còi cọc ở trẻ em. 

Nhằm làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chất chuyển hóa trong máu và tình trạng còi cọc ở trẻ nhỏ tại châu Phi, các nhà khoa học tại Trường Y Đại học Washington và Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã tiến hành phân tích mẫu máu của 313 trẻ ở độ tuổi 12-59 tháng tại vùng nông thôn Malawi, cận sa mạc Sahara. Những trẻ này hoàn toàn không có biểu hiện suy dinh dưỡng cấp tính nặng, bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính và tiêu chảy. 

Kết quả cho thấy, 62% trẻ em trong nghiên cứu này bị chậm phát triển chiều cao (còi cọc). Trong số trẻ còi cọc, 80% có hàm lượng toàn bộ 9 axit amin thiết yếu thấp hơn so với trẻ bình thường. Ngoài ra, hàm lượng một số chất khác cũng giảm đáng kể: các axit amin thiết yếu có điều kiện, axit amin không thiết yếu và 6 sphingolipit (thành phần của màng tế bào, giúp bảo vệ khỏi sự tấn công của vi khuẩn). Hàm lượng glycerophospholipit, một lipit khác liên quan tới màng tế bào não và tế bào thần kinh, cũng giảm đáng kể. 

Phát hiện này làm đảo ngược quan điểm hiện hành cho rằng trẻ em tại các nước phát triển vẫn nhận đủ protein trong khẩu phần ăn. Các tác giả nhận định rằng trẻ em có nguy cơ cao bị còi cọc có thể không được nhận đủ các axit amin thiết yếu cũng như cholin - chất dinh dưỡng cần thiết để tổng hợp các lipit quan trọng như sphingolipit và glycerophospholipit.

Tiến sĩ Mark Manary Đại học Hohn Hopkins, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận xét: “Khoảng một nửa trẻ em nông thôn châu Phi và hàng triệu trẻ em ở những nơi khác trên toàn thế giới bị còi cọc. Đã có rất nhiều cố gắng nhằm ngăn chặn tình trạng chậm phát triển chiều cao ở trẻ em, từ bổ sung nhiều loại thực phẩm khác nhau tới giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn, nhưng chúng ta gần như chưa đạt bất cứ kết quả nào. Với những phát hiện mới này, nguyên nhân của một khó khăn mang tính toàn cầu đối với trẻ nhỏ bắt đầu được sáng tỏ".

Các chuyên gia nhận định rằng, phát hiện mới này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chiến lược cứu trợ. Ngành y tế có thể phải tập trung cải thiện chế độ ăn cho trẻ. Nhóm nghiên cứu hy vọng những nghiên cứu tiếp theo có thể giúp tìm ra giải pháp dùng thực phẩm hoặc chất bổ sung để làm giảm tỷ lệ còi cọc ở trẻ em.

Anh Thư (theo MNT, ScienceDirect)









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét