Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

6 lời khuyên giúp bé phát triển ngôn ngữ giai đoạn đầu đời

Khả năng sớm nắm bắt và làm chủ ngôn ngữ là chỉ số hết sức giá trị giúp dự báo sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm thành công trong học tập và sức khỏe về lâu dài. Các bé cần được phát triển kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức cần thiết cho việc đọc và viết trước khi vào lớp một.







Phát triển ngôn ngữ hỗ trợ cho khả năng giao tiếp, bộc lộ và hiểu cảm xúc của trẻ. Khả năng ngôn ngữ cũng hỗ trợ tư duy, giải quyết vấn đề, mở rộng và duy trì các mối quan hệ. Học hỏi để hiểu, sử dụng và yêu thích ngôn ngữ là bước đầu tiên quan trọng để học đọc và viết. 

Những trẻ chưa sẵn sàng để vào lớp một khi được 6 tuổi thường học kém, thiếu tự tin, chán nản, biệt lập và có rắc rối về sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phát triển không toàn diện ở giai đoạn tiền học đường liên quan tới các rắc rối về sức khỏe khi trưởng thành. Trẻ không được người lớn đọc truyện khi nhỏ và không có khả năng giữ cân bằng cảm xúc thường hay bị ốm hơn 5 lần so với những trẻ khác.

Cha mẹ đóng vai trò then chốt trong phát triển ngôn ngữ của trẻ 

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nhi khoa (Mỹ) năm 2010 chỉ ra rằng tình trạng phát triển ngôn ngữ của trẻ liên quan chặt chẽ tới nhận thức tích cực và hành vi tích cực của cha mẹ. Tiến sĩ Frances Page Galscoe, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét: "Thực hành nuôi con đúng cách là yếu tố quan trọng giúp trẻ đạt được sự phát triển tối ưu trong giai đoạn đầu đời. Những động thái kích thích của cha mẹ như thường xuyên chơi đùa và trò chuyện với con là yếu tố then chốt cho sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức của trẻ".

Mặc dù vậy, không phải cha mẹ nào cũng biết cách giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ. Vì vậy tiến sĩ Glascoe khuyến khích phụ huynh tạo thói quen “nói chuyện với trẻ thường xuyên, bắt chước và gợi mở cho trẻ nói, chủ động dạy từ mới, nói chuyện trong bữa ăn và mô tả cho trẻ những gì trẻ đang nhìn thấy hay đang làm.” 

6 lời khuyên thiết thực

Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia dành cho cha mẹ nhằm giúp trẻ phát triển tối ưu khả năng ngôn ngữ: 
  1. Nói chuyện thường xuyên với bé ngay từ khi còn rất nhỏ. Chú ý dùng ngôn từ phong phú khi trò chuyện, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới khả năng đọc, viết và giao tiếp hiệu quả sau này của trẻ. Nói cho bé nghe về những điều bạn đang làm và những việc con đang làm. Khi bé bắt đầu biết kể chuyện, khuyến khích con nói về những việc trong quá khứ và tương lai. Cuối mỗi ngày, hãy cùng nhau bàn kế hoạch cho ngày hôm sau – ví dụ viết một danh sách những thứ cần mua hoặc quyết định mang cái gì theo khi đi thăm ông bà. Việc giúp trẻ liên tục khám phá nhiều từ mới trong nhiều ngữ cảnh khác nhau rất quan trọng. Điều này giúp trẻ học hỏi về ý nghĩa và chức năng của từ vựng trong thế giới của mình.
  2. Dùng lời để đáp lại hành vi của con. Điều này cho phép bé nhận ra hành vi của mình là đúng đắn hay sai lầm. Ví dụ hãy nói: “Bố mẹ rất thích khi con nói ‘cám ơn’ khi ngồi ở bàn ăn" hoặc "Thay vì bôi màu lên cánh tủ lạnh, mẹ con mình sẽ ngồi xuống và tô trong vở tô màu của con nhé”.
  3. Sử dụng các hướng dẫn bằng lời nói để khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi yêu cầu bé làm việc gì, hãy giải thích cho trẻ lý do. Ví dụ:” Con hãy đặt cốc lên bàn, như thế con sẽ không đánh đổ sữa” hay “Khi đi học về con hãy đặt giày ngay ngắn ở cửa ra vào, như vậy con sẽ không bao giờ quên nơi để giày”.
  4. Lắng nghe bé và luôn đáp lại những nỗ lực giao tiếp của con. Kể cả nếu bé chỉ bập bẹ những âm thanh khó hiểu, hãy bập bẹ để đáp lại. Hãy coi cái lắc đầu của bé như lời nói "không". Nếu con chỉ tay tới chỗ đồ chơi thì hãy trả lời lại như thể bé đang nói “Con lấy đồ chơi được không?” hoặc “Con thích món đồ chơi đó”. Sự đáp lại của bạn sẽ khuyến khích bé giao tiếp. Bạn sẽ thích thú và ngạc nhiên thấy bé có thể "nói" rất nhiều, ngay cả trước khi phát triển từ ngữ. Chú ý duy trì sự giao tiếp theo hướng bé đã khởi động. Bạn cũng có thể nhắc lại và mở rộng những gì bé nói. Ví dụ, nếu bé nói “Quả táo”, bạn có thể nói “Con muốn quả táo à? Con muốn quả táo màu đỏ. Mẹ cũng muốn quả táo màu đỏ. Chúng ta cùng nhau lấy quả táo màu đỏ nào!”.
  5. Đọc sách và bàn luận với con về nội dung câu chuyện. Tăng dần độ phức tạp của sách khi bé lớn lên. Sử dụng nhiều loại sách và kết nối những điều trong sách với sự việc diễn ra trong cuộc sống. Những cuốn sách có hình minh hoa hấp dẫn rất lý tưởng giúp bé tập trung nói chuyện. Đọc thật to và rõ ràng cho bé nghe và chỉ vào những từ mà bạn đang đọc. Việc này giúp bé kết nối giữa việc viết và nói một từ, làm tăng khả năng đọc và viết sau này. 
  6. Luôn động viên trẻ nói thành lời các suy nghĩ, cảm xúc, lo ngại và mong muốn của mình. 

Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ dưới 5 tuổi

Dưới đây là một số khả năng ngôn ngữ quan trọng mà trẻ có thể đạt được trong giai đoạn 8 tháng đến 5 tuổi. 


Dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
  • Biết rất ít từ tới khi được 2 tuổi hoặc tất cả các từ đều cùng một nhóm.
  • Lời nói không rõ ràng, cụt ngủn sau 3 tuổi.
  • Gặp khó khăn khi học từ mới hoặc bài hát đơn giản khi 3-5 tuổi.
  • Khó khăn khi diễn đạt suy nghĩ sau 3 tuổi.
  • Vốn từ hạn chế, khó khăn khi tìm được từ đúng, chỉ nói “cái này, cái kia”.
  • Chỉ sử dụng được những câu đơn giản (Ví dụ: “Con đi công viên” hoặc sắp xếp lộn xộn trật tự trong câu khi được 5 tuổi).
  • Gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi “Tại sao” khi được 5 tuổi.
  • Gặp khó khăn khi kể lại một câu chuyện quen thuộc khi 5 tuổi. 

Anh Thư 
(theo About Kidshealth, Raising Children)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét