Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Người mẹ Mỹ và nỗi đau xé lòng vì vô tình để con đói kiệt khi vẫn bú mẹ

Mẹ Jillian và con trai Landon bé bỏng. 
Chỉ 19 ngày sau khi sinh bé Landon khỏe mạnh, chị Jillian Johnson (Mỹ) đã mất con trai do vô tình để bé bị đói trầm trọng trong khi vẫn cho con bú cả ngày. “Giá như tôi cho con dù chỉ là một bình sữa, thì lúc này con sẽ vẫn còn sống" , người mẹ trải lòng trong một bài báo vừa đăng trên trang của “Fed is Best”, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ . "Giá như tôi có thể quay ngược thời gian", chị ước ao. 




'Fed is Best' (tạm dịch 'No bụng là tốt nhất') là một tổ chức phi lợi nhuận của cha mẹ và chuyên gia y tế, tập trung vào vấn đề nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Tổ chức này tuyên truyền cho việc nuôi con bằng sữa mẹ an toàn – bao gồm bổ sung sữa bình (với sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thứckhi có chỉ định y khoa, hay cho con bú hoàn toàn bằng sữa công thức đối với những bà mẹ muốn hoặc cần làm như vậy. Bác sĩ Christine Del Castillo-Heigi và nữ y tá Jody Segrave-Daily, hai đồng sáng lập của tổ chức cho biết, khuyến cáo này được đưa ra sau những câu chuyện đau lòng của các bà mẹ vô tình để con bị đói kiệt.

Trong trường hợp của chị Jillian Johnson và con trai Landon, bé đã không nhận đủ sữa non trong những ngày đầu, dẫn tới tử vong chỉ hơn 2 tuần sau đó. Chị Jillian chẳng thể nào hình dung nổi chính áp lực cho con bú mẹ hoàn toàn lại có thể dẫn tới hệ quả chết người như vậy. Mỗi bà mẹ trẻ đều từng được nghe câu thần chú “Sữa mẹ là tốt nhất”. 

“Tôi chỉ muốn mọi người tự trang bị kiến thức để không phạm phải lỗi lầm như tôi đã mắc. Tôi không thể im lặng thêm được nữa, không thể để một bà mẹ nào khác trải qua những gì tôi đang phải chịu đựng mỗi ngày. Tôi không muốn bất kỳ người làm cha mẹ nào phải mang khoảng trống này trong tim. Chẳng gì có thể lấp đầy nó ” - người mẹ nghẹn ngào.  

Chị Jillian nghẹn ngào ôm con trai đang thở máy.

12 giờ định mệnh 

Sau khi sinh bé trai khỏe mạnh 3.370 g bằng mổ đẻ, vợ chồng anh chị Jillian và Jarrod hết sức vui mừng. Họ đã đọc rất nhiều sách hướng dẫn nuôi con, tham dự rất nhiều khóa học làm cha mẹ và không ngần ngại hỏi bác sĩ bất kỳ thắc mắc nào. Họ nghĩ họ đã sẵn sàng. Nhưng Jilllian chưa sẵn sàng cho những gì xảy ra tiếp theo.

Landon lúc nào cũng đói, và khi mẹ ngừng cho bú là bé lại quấy khóc.

“Landon khóc và khóc, suốt cả ngày. Con chỉ biết có khóc, ngoại trừ lúc bú mẹ, và tôi bắt đầu cho bé bú liên tục. Khi tôi hỏi y tá vì sao lúc nào bé cũng bú mẹ, tôi được giải thích đó là vì con thuộc dạng ‘đòi bú liên tục’" - Jillian giải thích trong bài báo đăng trên trang 'Fed is Best'. Bé 'đòi bú liên tục' là thuật ngữ mô tả trường hợp trẻ có các cữ bú rất sát nhau trong một khoảng thời gian nhất định của ngày.

Vì người mẹ được chẩn đoán Hội chứng đa nang buồng trứng, căn bệnh trong đó mức hoóc môn sinh dục estrogen và progesteron bị mất thăng bằng, một chuyên gia sữa mẹ cho rằng chị có thể gặp khó khăn trong sản xuất sữa. Chuyên gia này khuyến cáo người mẹ dùng một số thảo dược, và không có gì thêm, Jillian được cho xuất viện, với em bé liên tục quấy khóc trên tay.

“Chúng tôi đưa con về nhà… chẳng hề biết rằng sau chưa tới 12 giờ ở nhà với bố mẹ, con đã có cơn ngừng tim vì mất nước”, jillian nói.

Tại thời điểm đó, Jillian được chăm sóc bởi một bệnh viện được gọi là ‘Thân thiện với bé’, nơi khuyến khích thực hiện các biện pháp quảng bá và hỗ trợ cho con bú mẹ. 

“Trừ khi bạn đã phẫu thuật nâng ngực hay bị ung thư, hay có một lý do y tế nghiêm trọng nào đó khiến bạn không thể cho bé bú, bé của bạn sẽ chỉ được cho bú sữa công thức khi có đơn của bác sĩ nhi khoa”- Jillian giải thích trong bài viết của mình. 

Các nghiên cứu y khoa đã cho thấy bú mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ bé khỏi các bệnh dị ứng, và giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ. Các tổ chức y tế khuyến cáo các gia đình cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, và tiếp tục trong 1 năm hoặc lâu hơn trong khi cho bé làm quen với các thực phẩm khác.

'Hội chứng đêm thứ hai' 

Johson không tạo đủ sữa để nuôi Landon, và trong vòng 2 ngày, cậu bé mất 10% trọng lượng cơ thể khi sinh. Cha mẹ đã gọi cấp cứu sau khi thấy con mất mạch và xanh tím sau bú. Bé được chẩn đoán mất nước tăng natri máu và ngừng tim do sốc giảm thể tích máu, tình trạng trong đó mất nước quá nhanh dẫn tới suy đa phủ tạng. Bé được đặt máy thở. Landon từ giã cõi đời sau đó 15 ngày.

Làm sao mà chuyện đau lòng này lại có thể xảy ra? Theo chị Segrave-Daly, y tá hồi sức sơ sinh, đồng sáng lập 'Fed is Best', tại nhiều bệnh viện ở nước Mỹ, các bà mẹ trẻ được khuyến khích mạnh mẽ cho con bú mẹ hoàn toàn trong thời gian nằm viện, nhưng cơ thể của một số phụ nữ không cung cấp đủ nước và năng lượng cho bé sơ sinh của họ trong những ngày đầu đời. Hiện chưa có phác đồ rõ ràng giải thích khi nào bé cần được bổ sung sữa bình (nghĩa là thay bú mẹ bằng bú bình với sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức), do đó một số phụ nữ làm mẹ lần đầu gặp khó khăn khi tìm cách cho con bú có thể không biết tìm câu trả lời ở đâu.  

“Tôi là y tá tại khoa Hồi sức Sơ sinh và biết cách cứu sống tính mạng các bé. Tôi hết sức bất ngờ khi phải chứng kiến quá nhiều những đau đớn không cần thiết do các bé vô tình bị đói kiệt kể từ khi tôi bắt đầu làm công việc tư vấn thực hành nuôi con và cho con bú tại phòng khám tư của mình 7 năm trước", chị Segrave-Daly nói.

Bác sĩ Christie del Castillo-Hegyu, chuyên gia nghiên cứu chấn thương não ở trẻ sơ sinh và biến chứng do bú mẹ, đồng sáng lập Fed is Best, giải thích: "Binh thường trẻ sơ sinh cần được bú mẹ mỗi 2-3 giờ. Sau các cữ bú này, các bé sẽ không đòi bú thêm nữa. Tình trạng bé bú mẹ và khóc liên tục thường xảy ra ở trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi. Người ta gọi đó là 'Hội chứng đêm thứ hai' của đói kiệt. Các bà mẹ liên tục cho con bú, nhưng họ không có đủ sữa trong các cữ bú. Tình trạng đói kiệt của trẻ sơ sinh dẫn tới các biến chứng như mất nước, hạ đường máu, vàng da nghiêm trọng, và có thể gây tổn thương não không hồi phục". 

Bản thân bác sĩ Castillo - Hegyu đã gặp rất nhiều khó khăn với các bữa bú liên tục của con trai đầu lòng. Bé cũng vô tình bị đói kiệt do không nhận đủ sữa mẹ và bị di chứng thần kinh nặng nề. Nữ bác sĩ nói chị đã dành nhiều năm giáo dục phụ nữ về chủ đề này và chia sẻ các dấu hiệu cảnh báo. Chị nhấn mạnh sụt cân, vàng da và các dấu hiệu sống còn bị suy yếu cần được xem là dấu hiệu cảnh báo rằng bé không được nhận đủ thức ăn từ bú mẹ hoàn toàn.

'No bụng là tốt nhất' và 'Sữa mẹ là tốt nhất'

'Fed is Best' hay 'No bụng là tốt nhất', với quan điểm “Các bà mẹ cần được ủng hộ trong lựa chọn phương án nuôi con an toàn về lâm sàng”, đã vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ vì cho rằng nhóm này chống lại việc cho con bú. 

Nhưng Segrave-Daly nói điều này không đúng. Chị giải thích: "Tổ chức 'Fed is Best' có mục tiêu giáo dục các bà mẹ trẻ cách nuôi con an toàn, dù là bằng sữa mẹ, sữa công thức hay kết hợp cả hai. Các bé có thể phải chịu đựng những ngày đói kiệt và khóc không ngừng nghỉ, trong khi vẫn bú mẹ cả ngày lẫn đêm, không ngủ, vì các bé chỉ nhận được một phần năng lượng và chất dịch cần thiết để sống”.

'Baby Friendly USA' là một tổ chức đặc biệt coi trong việc nuôi con bằng sữa mẹ tại Mỹ và là cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về ‘Sáng kiến bệnh viện thân thiện với bé”. Trish MacEnroe, giám đốc điều hành của tổ chức này nói: “Nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn và là cách cơ thể chúng ta được thiết kế để nuôi các bé. Các bà mẹ sản xuất loại sữa tốt nhất cho con của mình. Cho con bú là là cách nuôi con tự nhiên nhất. Nhưng chuyện này không phải lúc nào cũng xảy ra tự nhiên với tất cả các bà mẹ. Và vì vậy, bổ sung sữa bình là điều chấp nhận được. Có chỗ cho bà mẹ bổ sung sữa công thức và có chỗ cho bà mẹ không chọn cách nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng cũng như bất kỳ khuyến cáo y tế nào, chúng tôi luôn mong muốn các bà mẹ được biết về các bằng chứng khoa học cũng như bất kỳ tác dụng phụ hay hệ quả nào của một lựa chọn khác (ngoài cho con bú) ”.

Đối với trường hợp chị Johnson, MacEnro nói bà hết sức thương cảm: “Trái tim tôi tan vỡ khi đọc câu chuyện đăng trên Fed is Best. Chúng tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chuyện này xảy ra”. Nhưng bà nói thêm:“Tôi nghĩ những thông điệp này có thể dẫn tới lệch lạc. Tôi lo ngại nó sẽ khiến các bà mẹ hoảng sợ và từ bỏ điều mà chúng ta biết là rất tuyệt vời cho họ”. Cuối cùng, bà nói các bà mẹ cần dựa vào bác sĩ: "Nếu họ có bất kỳ lo ngại gì hay nghĩ có chuyện gì đó không ổn, họ cần tìm đến các chuyên gia y tế có kỹ năng”. 

Lời khuyên của chuyên gia nhi khoa 

Bác sĩ James Sears, chuyên gia uy tín về nhi khoa của Mỹ, đồng ý rằng điều cực kỳ quan trọng với các bà mẹ là phải trao đổi với chuyên gia y tế để biết thế nào là các dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tốt và thế nào là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bác sĩ Sears nhấn mạnh: “Có một khởi đầu tốt trong một hay hai ngày đầu nằm viện là điều rất quan trọng. Nếu bé bú không tốt, hãy nhờ y tá giúp đỡ. Rất nhiều bệnh viện có chuyên gia sữa mẹ nếu bạn cần giúp trong việc cho con bú. Hãy tìm hiểu xem bé có ổn không để biết sau bao lâu bạn cần khám lại bác sĩ nhi khoa. Đôi khi bạn cần đưa con đi khám lại ngay ngày sau khi ra viện”.

Bác sĩ Sears nói: "Sụt cân đôi chút sau khi ra viện là bình thường, điều quan trọng là phải biết cân nặng của bé trước khi rời bệnh viện để có thể theo dõi bé sụt cân bao nhiêu và việc sụt cân có nằm trong giới hạn bình thường hay không. Là bác sĩ nhi khoa, chúng tôi có quy tắc 10%: nếu dưới 10% chúng tôi không lo ngại quá mức". Ông cũng nói điều quan trọng là cần đặt các câu hỏi để biết chính xác các dấu hiệu nào giúp mẹ nhận biết con đang trong tình trạng sức khỏe tốt. "Hãy tìm hiểu bé sơ sinh cần có mấy tã ướt, mấy tã phân. Nếu bạn cho con bú thì hỏi tôi có thể dùng những thuốc gì?”.

Khi được hỏi nên cho bé bú bao nhiêu và các bữa bú cách xa bao lâu, bác sĩ Sears nói mẹ cần lắng nghe sự chỉ dẫn của bé: "Tôi đã chứng kiến các bé không nhận đủ thức ăn từ cả sữa mẹ và sữa công thức, điều quan trọng là nhìn vào bé chứ không phải nhìn vào đồng hồ. Nếu bé quấy khóc và có vẻ đói, kể cả nếu bé vừa ăn xong 1 giờ trước, hãy cho bé ăn lại”.

Để không còn nữa những câu chuyện buồn  

Bé Landon rơi vào ngừng tim do mất nước chỉ 12 giờ sau khi ra viện. “Và lời khuyên tốt nhất tôi nhận được từ một trong các bác sĩ Hồi sức sơ sinh khi con đang thở máy là, tất nhiên sữa mẹ là tốt nhất nhưng sau đó hãy cho bé sữa bình, bằng cách này bạn biết con đã được ăn đủ… giá như tôi có thể quay ngược về quá khứ”, chị Jillian viết.

15 ngày sau, Ladon được tháo khỏi máy thở. “Khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân tử vong là mất nước tăng natri máu và ngừng tim sau đó, gây ra bệnh lý não do thiếu máu cục bộ- thiếu oxy (tổn thương não lan tỏa)", bác sĩ Del Castillo- Heigyi viết trên trang Fed is Best.


Mẹ và con.
"Tôi hoàn toàn không biết con đã không bú đủ sữa. Nếu tôi biết thì con đã được sống rồi. Tôi sẽ không ngần ngại cho con bú bình. Tôi mong mọi người tự trang bị kiến thức và biết rằng, vâng, nếu bạn có thể tạo đủ sữa để cho con bú mẹ hoàn toàn, hãy làm như vậy. Nhưng chẳng có gì sai nếu bạn cho bé bú bình trong vài ngày đầu khi sữa mẹ chưa về. Mọi người cần biết điều gì có thể xảy ra và biết các dấu hiệu. Chồng tôi nói anh đã nhiều lần nghĩ đến chuyện cho con bú bình, nhưng chúng tôi đã không muốn “làm hỏng” Landon. Chúng tôi đã bị tẩy não quá mức".

Jillian và những người sáng lập Fed is Best nói họ chia sẻ các câu chuyện này nhằm giúp các bé khỏi gặp nguy hiểm. Bác sĩ Segrave-Daly trải lòng: "Ứng với mỗi câu chuyện các bạn đọc được trên trang của chúng tôi, chúng tôi đã gặp không biết bao câu chuyện khác không thể chia sẻ vì cha mẹ các bé đang sống với nỗi hổ thẹn và cảm giác tội lỗi nặng nề khi biết họ vô tình đã để con đói kiệt trong nhiều ngày”.

BSNK (theo People, CBS)








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét