Thông tin do Viện Phát triển Trẻ em Canada (CDI) cung cấp, nhằm mục đích cung cấp các thông tin cần thiết về xâm hại tình dục trẻ em và hướng dẫn cha mẹ làm những gì tốt nhất cho con. Bản hướng dẫn này được xuất bản lần đầu năm 1997, với hơn 15.000 ấn phẩm phân phát tại Canada và Mỹ, tái bản năm 2006.
I. Định nghĩa xâm hại tình dục
Xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện khi một người sử dụng quyền lực của mình đối với trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên và lôi kéo trẻ tham gia vào bất kỳ hành vi tình dục nào. Quyền lực của người xâm hại có thể nằm ở sự chênh lệch tuổi tác, trí tuệ hay thể lực, mối quan hệ quyền lực đối với đứa trẻ và/hoặc sự phụ thuộc của đứa trẻ vào người này.
“Sờ mó” không phải cách duy nhất một đứa trẻ có thể bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục bao gồm các hành động như: vuốt ve, kích thích cơ quan sinh dục, thủ dâm cho nhau, quan hệ tình dục bằng miệng, dùng ngón tay, dương vật hay vật dụng để đưa vào âm đạo/trực tràng, ngôn ngữ tình dục không phù hợp, quấy rối tình dục, nhìn trộm, phô bày bộ phận sinh dục cũng như để trẻ tiếp xúc hoặc tham gia vào hành động khiêu dâm hoặc mại dâm.
Can phạm có thể lôi kéo trẻ vào hành động tình dục thông qua đe dọa, hối lộ, dùng vũ lực, xuyên tạc hay các hình thức ép buộc khác. Xâm hại tình dục thường gồm những tương tác tình dục bị áp đặt từ từ. Trong đa số trường hợp, can phạm là người mà trẻ biết rất rõ, được trẻ và/hoặc gia đình trẻ tin tưởng.
II. Nói ra sự thật về xâm hại
Tiết lộ là quá trình trong đó nghi ngờ xâm hại nhận được sự quan tâm của người khác. Khi trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên nói về việc bị xâm hại tình dục, không phải bao giờ các cháu cũng tìm đến cha mẹ hay người chăm sóc. Các cháu có thể nói với một người khác mà các cháu tin tưởng, ví dụ với thầy cô giáo hay một người bạn. Khi biết tin con có thể đã bị xâm hại tình dục, cha mẹ thường rất khó hiểu ra vì sao con không nói thẳng với mình hay vì sao con lại tiết lộ chuyện này với một ai đó khác.
Cha mẹ cần hiểu rằng chuyện này không hề hiếm gặp. Điều đó không có nghĩa là con không yêu quý hay tin tưởng ở bạn. Có thể là bé không muốn làm bạn lo lắng hay buồn phiền, hoặc không đủ niềm tin rằng bạn có thể đối đầu với tình huống khi biết về những gì đã xảy ra. Nhiều trẻ cảm thấy bối rối khi tiết lộ chi tiết của việc xâm hại tình dục. Một số khác có thể đã bị đe dọa hay chi phối để giữ kín hành vi xâm hại. Nếu con tiết lộ điều này cho bạn, hãy đọc kỹ phần 4 “Giúp đỡ trẻ đã nói ra sự thật”, ở đó bạn sẽ tìm được các ý tưởng để trả lời con.
1.Trẻ tiết lộ thế nào và khi nào?
Một số trẻ nói ra ngay sau khi bị xâm hại, tuy nhiên, nhiều trẻ không làm như vậy. Thường các bé sẽ đợi một quãng thời gian không xác định trước khi nói ra.
Một số trẻ còn quá nhỏ để hiểu rằng những gì đã diễn ra với bé là sai và có thể không biết để nói ra. Trẻ chưa biết nói và trẻ tàn tật có thể không đủ khả năng truyền đạt những gì đã xảy ra hoặc thể hiện việc bé cần giúp đỡ.
Trẻ nhỏ có thể không đủ khả năng tiết lộ rõ ràng về những gì đã xảy ra, vì bé còn chưa hiểu về thời gian, gặp khó khăn trong giải thích trình tự diễn tiến của sự việc và vẫn đang phát triển các kỹ năng ghi nhớ.
Đôi khi, trẻ nghĩ mình đã nói ra nhưng không ai lắng nghe (ví dụ: “Con không muốn đến nhà bác X. nữa”).
Trẻ nhỏ thường chỉ tiết lộ một cách tình cờ. Bạn có thể nghi ngờ chuyện gì đó đã xảy ra với bé dựa vào:
- Những gì bạn nhìn thấy hay nghe thấy trong khi chơi.
- Những thay đổi trong hành vi của bé.
- Nghe lỏm điều gì đó mà con kể cho bạn bè.
- Những câu hỏi/lời bình luận thể hiện nỗi sợ hay hay lo lắng đặc biệt.
Thanh thiếu niên thường chủ động tiết lộ bằng cách nói về sự xâm hại hay yêu cầu giúp đỡ. Một số thanh thiếu niên có thể bắt đầu bằng cách kể một chút và theo dõi phản ứng của người nghe. Sau đó, nếu cảm thấy tin tưởng, an toàn và được hỗ trợ, trẻ sẽ tiết lộ tiếp.
2. Điều gì có thể khiến trẻ không tiết lộ về xâm hại tình dục?
Mỗi cá nhân phản ứng khác nhau với xâm hại tình dục, bất kể hình thức, mức độ hay quãng thời gian bị xâm hại tình dục. Có rất nhiều lý do khiến trẻ không nói cho bạn biết về chuyện xâm hại. Có một số cảm xúc có thể ngăn cản trẻ nói ra.
2.1 Sợ hãi
- Trẻ đã bị đe dọa có thể tin rằng lời đe dọa sẽ trở thành hiện thực nếu trẻ nói ra (ví dụ sự tiết lộ có thể dẫn tới tan vỡ gia đình).
- Trẻ có thể sợ bị ruồng bỏ, sợ tạo nên sự phiền muộn hay các phản ứng tiêu cực khác từ phía gia đình, bạn bè, hay trong một vài trường hợp là từ phía bị can.
-Trẻ có thể sợ rằng mọi người sẽ đối xử với mình khác đi nếu biết về chuyện xâm hại tình dục.
2.2 Cảm xúc bối rối và mâu thuẫn
- Trẻ có thể bối rối khi bị xâm hại bởi một người mà mình vẫn tin tưởng, trẻ cảm thấy tức giận, bị phản bội hay buồn sâu sắc. “Tại sao một người yêu quý mình lại có thể làm điều như vậy?”.
- Trẻ có thể cảm thấy bối rối vì vẫn yêu quý hoặc quan tâm tới kẻ xâm hại – và tự hỏi liệu mình nên trung thành với người xâm hại hay nên kể về những gì đã xảy ra ?
2.3 Tự trách mình và mặc cảm tội lỗi
- Trẻ có thể nghĩ mình đáng bị xâm hại tình dục vì đã muốn nhận được sự yêu thương, sự quan tâm hay đã chấp nhận quà tặng hay sự chiều chuộng từ bị can.
- Một số trẻ cảm thấy tội lỗi vì đã không cố ngăn chặn hành vi xâm hại trong khi một số khác cảm thấy tội lỗi vì đã tìm cách ngăn chặn nhưng xâm hại vẫn xảy ra.
- Một số trẻ bị xâm hại nhiều lần có thể cảm thấy tội lỗi vì đã không nói ra chuyện xâm hại ngay sau lần đầu tiên.
2.4 Cảm giác dễ bị tấn công và bất lực
- Trẻ có thể cảm thấy bất lực và dễ bị tấn công vì những gì mình làm đã không thể ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc chẳng có cách nào ngăn chặn hành vi này. Trẻ có thể nghĩ không ai có khả năng ngăn chặn kẻ xâm hại.
- Một số trẻ bị cô lập, không có ai giúp đỡ hay hỗ trợ, hoặc cảm thấy không ai có thể bảo vệ hoặc ở bên để giúp mình.
- Trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ/người chăm sóc để được an toàn, khỏe mạnh và được bảo vệ, trẻ có thể lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc mình nếu chuyện xâm hại được tiết lộ.
3. Các dấu hiệu có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
Một số trẻ có thể có các biểu hiện, triệu chứng hay những gợi ý khiến bạn nghi ngờ xâm hại tình dục đã xảy ra. Những biểu hiện này được gọi là các dấu hiệu chỉ điểm. Dấu hiệu chỉ điểm có thể thuộc về thể chất, hành vi hay cảm xúc.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chỉ điểm nào, bạn đừng vội kết luận rằng điều đó đồng nghĩa với việc con bạn bị xâm hại tình dục. Một số dấu hiệu chỉ điểm có thể liên quan tới một chuyện gì khác, ví dụ trong gia đình có người qua đời hoặc bố mẹ chia tay. Nếu lo ngại con có thể bị xâm hại tình dục, hãy liên hệ với các chuyên gia để trình bày lo ngại của bạn.
3.1 Các dấu hiệu thể chất có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
- Chấn thương không thể giải thích ở ngực, vùng sinh dục hay hậu môn.
- Quần áo giây máu.
- Quần áo giây máu.
- Máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
- Trẻ kêu đau ở vùng sinh dục và hậu môn.
- Ngứa bất thường hoặc quá mức ở vùng sinh dục và hậu môn.
- Đau khi ngồi hoặc đi.
- Nhiễm trùng lây truyền đường tình dục.
- Mang thai.
(Xem mục III “Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ” để có thêm thông tin về vấn đề này).
3.2 Các dấu hiệu hành vi/cảm xúc có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
- Hiểu biết hay ý thức về tình dục nhiều hơn so với lứa tuổi và giai đoạn phát triển.
- Hành vi thoái lui (hành vi hay xảy ra hơn khi trẻ còn bé, ví dụ mút ngón tay, đái dầm).
- Hành vi tình dục với các trẻ khác, đi kèm cưỡng ép hay giấu giếm.
- Bắt chước hành vi tình dục của người lớn.
- Rối loạn giấc ngủ (ví dụ ác mộng).
- Viết hoặc vẽ về xâm hại tình dục.
- Những thay đổi tâm trạng không thể giải thích (ví dụ trở nên khép kín hay cộc tính).
- Sợ bất thường về sự thân mật hay gần gũi.
- Sợ bất thường về một số người với những đặc điểm nhất định (ví dụ có giọng trầm).
- Sợ đi tới một nơi quen thuộc.
- Thay đổi bất ngờ về hành vi ăn uống (ví dụ tăng cân hay giảm cân đột ngột).
- Thay đổi kết quả học tập ở trường.
- Sự chậm trễ trong phát triển (ví dụ không tiến bộ về phát triển ngôn ngữ hay vận động như mong chờ).
- Các biểu hiện của rối loạn stress sau chấn thương (các biểu hiện liên quan tới một sự kiện gây chấn thương nhưng không bị mất đi sau đó, ví dụ các cảnh hồi tưởng - là ký ức khiến trẻ cảm giác như đang quay trở lại tình huống cũ. Đi kèm cảnh hồi tưởng còn có các dấu hiệu lo lắng, sợ hãi, đánh trống ngực và các biểu hiện khác của stress).
- Than phiền thể lực (ví dụ đau đầu hay đau dạ dày).
- Bỏ nhà ra đi.
- Có ý nghĩ hoặc tìm cách tự tử.
- Có hành vị tự hủy hoại (ví dụ uống rượu hoặc dùng/lạm dụng ma túy, cắt cơ thể, mại dâm).
4. Giúp đỡ trẻ đã nói ra sự thật
Cách bạn phản ứng và điều bạn làm khi được trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại tình dục là rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới cách con đối diện với những gì đã xảy ra. Một đứa trẻ cảm nhận được niềm tin và sự hỗ trợ bởi ít nhất một phụ huynh hay người chăm sóc có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều.
Nếu bạn nhìn thấy hoặc nghe thấy điều gì đó dẫn tới nghi ngờ trẻ bị xâm hại, hãy cố gắng ghi nhớ những điều sau đây:
4.1 Kiểm soát cảm xúc của bạn
Cố gắng bình tĩnh. Điều này có thể giúp con bạn mở lòng. Cố gắng kiềm chế sự giận giữ đối với bị can, nếu có, vì trẻ có thể hiểu nhầm là bạn đang giận bé.
4.2 An ủi vỗ về con
Hãy tới gần, ôm con và an ủi vỗ về bé. Nhớ tôn trọng cảm xúc và phản ứng của con. Hãy dành cho con một không gian riêng nếu cần. Không phải bé nào cũng muốn người khác động chạm vào mình lúc này.
4.3 Trấn an con bằng cách nói với bé:
- Chuyện này cũng xảy ra với các bạn khác.
- Bé đã rất dũng cảm khi nói ra chuyện này và bạn cảm thấy tự hào vì con.
- Bạn sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để giúp đỡ và bảo vệ con.
- Bạn ở đây để bày tỏ tình yêu và sự hỗ trợ với con
- Con có thể tìm đến bạn nếu có bất kỳ điều gì muốn nói.
4.4 Nhận thức đúng về tuổi tác và kỹ năng của bé
Hãy để trẻ sử dụng ngôn từ của mình, bao gồm cả các từ lóng, vì đó có thể là cách duy nhất con biết để mô tả chuyện đã xảy ra. Hãy kiên nhẫn, chuyện này có thể khó đối với con. Đừng chỉnh sửa hay thay đổi từ ngữ mà con sử dụng, kể cả nếu các chi tiết còn chưa rõ ràng. Điều đặc biệt quan trọng cho công tác điều tra là chỉ dùng ngôn từ của trẻ để miêu tả những gì đã xảy ra.
4.5 Chỉ đặt câu hỏi để bé nói với bạn về những gì đã xảy ra bằng ngôn từ của chính con
“Con có thể nói cho bố mẹ biết chuyện gì đã xảy ra không?”
“Chuyện gì xảy ra sau đó?”.
Hãy để trẻ kể tất cả những gì trẻ muốn kể.
4.6 Tránh các câu hỏi dẫn dắt, những từ ngữ khiến trẻ sợ hay gặng hỏi quá mức về các chi tiết
Ví dụ, đừng hỏi các câu như “Ông ta có chạm vào chỗ này của con không?” hay “Có chắc đó là một Bác không?”.
Tránh các từ có thể khiến bé sợ (ví dụ cưỡng hiếp, loạn luân, quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em hoặc bỏ tù).
Tránh hỏi ‘vì sao’ chuyện gì đó có thể đã xảy ra. Ép bé nói ra các chi tiết hay hỏi vì sao không nói chuyện này sớm hơn có thể khiến con cảm thấy bị trách móc thay vì được hỗ trợ.
4.7 Nói cho bé biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo
Đừng đưa ra những lời hứa mà bạn không thể thực hiện. Ví dụ, đừng hứa sẽ giữ bí mật những điều bé nói ra. Bạn cần giải thích với con rằng bí mật của một người cần được chia sẻ để được giúp đỡ, hay để giữ cho người đó khỏi bị hại. Nói với con rằng thông tin sẽ được chia sẻ với những người ‘làm nhiệm vụ bảo vệ trẻ em’.
4.8 Trả lời các câu hỏi của con một cách đơn giản và trung thực
Nếu bạn không biết câu trả lời chính xác cho các câu hỏi của trẻ, đừng sợ phải nói rằng “Bố mẹ không chắc” hoặc “Bố mẹ không biết”. Hãy nói với con rằng bạn sẽ cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào của con.
Đừng bịa ra câu trả lời. Ví dụ, nếu được hỏi “Liệu Bố có bị đi tù không?” bạn có thể phải nói “Mẹ không biết. Những người khác sẽ quyết định chuyện này”.
Trẻ không cần hoặc không muốn biết tất cả mọi chuyện. Câu hỏi mà trẻ đặt ra sẽ giúp bạn biết cần chia sẻ với con ở mức độ nào.
Nếu bạn nghi ngờ rằng trẻ có thể đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, đừng tìm cách tự chứng minh nghi ngờ của mình. Hãy báo cáo các thông tin thu được với cơ quan chức năng. |
5. Bạn có thể phản ứng thế nào khi biết con bị xâm hại tình dục?
Một số phản ứng có thể gặp: phủ nhận hoặc không tin chuyện xâm hại, tức giận, sợ hãi, cảm giác tội lỗi, bối rối, ân hận.
Việc phát hiện con có thể bị xâm hại tình dục có thể khiến bạn hết sức buồn phiền. Tìm ra kẻ có thể đã xâm hại tình dục con mình có thể khiến bạn cảm thấy hết sức nặng nề.
Bạn có thể thấy mâu thuẫn, bối rối khi bị can là ai đó mà bạn và/hoặc con yêu thương, tôn trọng, tin tưởng. Điều này khiến bạn hụt hẫng.
Cáo buộc hay nghi ngờ xâm hại tình dục có thể ảnh hưởng nhiều tới cha mẹ/người chăm sóc đã từng bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ, đặc biệt là nếu điều đó chưa bao giờ được tiết lộ. Bạn có thể có những khúc mắc chưa được giải quyết và phải trải nghiệm lại “những cảm xúc cũ”. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng giúp con bạn và các thành viên khác trong gia đình. Lúc này, chính cha mẹ cũng cần nhận được sự tư vấn, trợ giúp
6. Giúp trẻ và gia đình đối phó với việc tiết lộ hành vi xâm phạm
Sau đây là một số đề xuất cho bạn và gia đình:
6.1 Giảm thiểu những xáo trộn trong nếp sinh hoạt của gia đình
Đây có thể là một giai đoạn khó khăn cho bạn và gia đình. Hãy cố gắng duy trì nếp sinh hoạt thường kỳ, tránh tạo quá nhiều trải nghiệm và thách thức mới cũng như sự chia cách không cần thiết với con.
6.2 Giúp anh chị em của bé hiểu chuyện gì đang xảy ra
Những đứa trẻ khác trong gia đình có thể cảm thấy bối rối, sợ hãi vì những gì đang xảy ra, hoặc cảm thấy tội lỗi vì không bảo vệ được anh chị em mình. Hãy để các con thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Có thể các con cũng có vấn đề muốn bàn luận.
6.3 Chấp nhận rằng con bạn có thể thoái lui
Bé có thể có những cảm xúc và hành vi ngoài tầm kiểm soát hay “kiểu trẻ con”. Hãy trấn an con rằng những chuyện tương tự vẫn thường xảy ra sau loại biến cố này. Hãy cho con biết rằng, cùng với thời gian và sự giúp đỡ, con sẽ trở lại như xưa. Hiện tại, có thể bạn cần theo dõi con sát sao hơn, đặt ra các giới hạn rõ ràng cho sự thoái lui hay hành vi đáng lo ngại của con.
6.4 Giúp con cảm thấy an toàn khi đi ngủ
Một số trẻ có thể cần được an ủi vỗ về ban đêm và giúp tìm ra cách đối phó với nỗi sợ khi đi ngủ. Bé có thể cho bạn biết những điều mình cần (ví dụ để đèn đêm hay mở cửa phòng ngủ). Cố gắng hạn chế những điều gợi cho trẻ nhớ về những gì đã xảy ra. Ví dụ, nếu xâm hại xảy ra tại phòng ngủ của con, hãy xắp xếp lại đồ đạc hay đổi con sang phòng khác. Bạn có thể hỏi các chuyên gia tư vấn để tìm ý tưởng.
6.5 Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng
Vào lúc này, với tư cách một phụ huynh, bạn có thể tự hỏi liệu mình có thể phán xét những người khác, liệu thế giới này còn an toàn? Bạn có thể tức giận. Có thể có những lúc bạn muốn bỏ trốn hay trả thù kẻ đã xâm hại con mình. Tất cả những cảm xúc này đều có thể xảy ra. Tự trách mình có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ và chăm sóc con. Điều quan trọng lúc này là tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng, cho con và cho chính bạn.
6.6 Trao đổi với chuyên gia
Bạn có thể có phản ứng tương tự như con. Bạn có thể thấy mình suy tư về việc xâm hại và tự hỏi vì sao điều này lại xảy ra. Tiếp cận các nguồn lực xã hội thích hợp có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề cảm xúc, pháp lý, an toàn. Có thể bạn sẽ muốn trao đổi với bác sĩ nhi của con về cáo buộc xâm hại. Con bạn có thể cần được trấn an nếu có lo lắng về sức khỏe, sự phát triển, đời sống tình dục.
6.7 Cân nhắc cách bạn thể hiện cảm xúc
Khi trò chuyện với trẻ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Nhớ rằng việc xem thường hay trầm trọng hóa vấn đề, hoăc thể hiện những cảm xúc quá mạnh (ví dụ đe dọa bị can) đều có thể khiến bé cảm thấy nặng nề hoặc hoảng sợ. Bạn có thể bày tỏ sự buồn rầu, nhưng cần đảm bảo là bé biết bạn không buồn vì bé.
6.8 Giúp con hiểu rằng con không cần lo lắng cho bạn
Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể không hiểu điều gì sẽ xảy ra sau khi mình tiết lộ chuyện xâm hại tình dục. Trẻ có thể ngạc nhiên và bối rối về cách phản ứng của người lớn. Nếu có cảm giác cha mẹ không đủ khả năng đối phó, con có thể tự cảm thấy phải chăm sóc bạn, và do đó khó nhận sự hỗ trợ từ bạn hơn. Hãy để con biết rằng bạn có người để chia sẻ, và nhiệm vụ của bạn là chăm sóc con.
6.9. Ghi nhật ký về những thay đổi
Ghi nhật ký có thể giúp bạn nhận ra những thay đổi trong hành vi của bé. Điều này cũng có thể giúp bạn kiểm soát cách con xử sự ở nhà, ở trường và với bạn bè.
Việc ghi chép những lời nói của trẻ về xâm hại và những quan sát của bạn về các thay đổi hành vi hay sự xuất hiện những hành vi mới sẽ giúp ích nhiều cho công tác điều tra. Ngoài ra, nhật ký cũng có thể là công cụ giá trị trong quá trình điều trị. Nhật ký cũng giúp bạn bày tỏ cảm xúc của mình ở một nơi kín đáo,
6.10 Duy trì một số hoạt động vui vẻ
Các chuyến đi chơi và các hoạt động vui vẻ của gia đình mà bé yêu thích sẽ giúp giảm căng thẳng cho tất cả mọi người.
Việc bạn tạo được sự hỗ trợ bền vững cho con là rất quan trọng, bên cạnh đó bạn cũng cần có sự hỗ trợ cho chính mình. |
7. Khi trẻ rút lại lời cáo buộc
Một số trẻ rút lại lời cáo buộc xâm hại ban đầu, tuyên bố rằng chuyện đó không đúng. Điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào sau lần tiết lộ ban đầu. Nếu trẻ rút lại ý kiến, điều này không có nghĩa là đã không xảy ra xâm hại. Việc điều tra sẽ không tự động ngừng lại.
Một số lý do vì sao trẻ có thể rút lại lời cáo buộc:
- Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
- Đe dọa hay áp lực từ các thành viên trong gia đình, bạn bè, bị can.
- Khó đối phó với sự lo sợ, những xáo động và những phiền phức gây ra bởi việc điều tra.
- Cảm thấy có trách nhiệm về nỗi buồn của gia đình và sợ rằng gia đình có thể tan vỡ.
- Phản ứng sau khi bị can bị kết tội, bao gồm nỗi sợ người đó phải đi tù.
- Lo lắng về phiên tòa và/hoặc việc phải làm chứng.
Nếu trẻ rút lại lời cáo buộc, tốt nhất cha mẹ/người chăm sóc nên tiếp tục bày tỏ sự hỗ trợ và tình yêu không điều kiện với con. Có thể có hại cho trẻ và việc điều tra nếu bất kỳ ai:
- Tỏ ra giận giữ với trẻ và cho rằng bé đã nói dối.
- Ép trẻ thay đổi cách giải thích về những gì đã xảy ra.
- Cố gắng nói cho trẻ chuyện gì thực sự đã xảy ra.
- Hướng dẫn trẻ nói rằng một chuyện gì đó đã xảy ra hoặc không xảy ra.
III. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
1. Các tình huống cần đưa trẻ đi khám ngay
- Trẻ bị chấn thương.
- Trẻ có các biểu hiện thực thể (ví dụ đau, chảy máu).
- Có hành vi quan hệ tình dục qua hậu môn, âm đạo hoặc miệng, hoặc có ý định thực hiện các hành vi này.
- Có những lo ngại y tế khác (ví dụ mang thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục).
- Con bạn và gia đình bị khủng hoảng.
- Cần thu thập bằng chứng pháp y.
Cơ hội tốt nhất để thu thập thành công bằng chứng pháp y cho khám nghiệm y khoa xuất hiện khi trẻ còn chưa tắm rửa hay chưa thay quần áo sau sự cố.
Cha mẹ và thanh thiếu niên thường hy vọng việc khám nghiệm y khoa sẽ chứng minh được rằng xâm hại tình dục đã xảy ra. Kể cả khi bạn và con đã tuân thủ các bước nói trên, chỉ một số ít kết quả khám nghiệm y khoa tìm được bằng chứng pháp y chứng minh rằng đã xảy ra tội hình sự.
2. Các tình huống cần khám không cấp cứu
Trẻ có thể tới gặp bác sĩ gia đình nếu:
-Trẻ hoặc gia đình cần được trấn an.
- Bằng chứng pháp y là không cần thiết.
- Con không bị chấn thương.
- Không có các lo ngại y khoa hay triệu chứng đặc biệt.
Khám nghiệm y khoa không cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng xâm hại tình dục đã xảy ra KHÔNG có nghĩa là xâm hại đã không xảy ra. Điều này có thể có nghĩa là khám nghiệm y khoa không cung cấp đủ thông tin để đưa kết luận cuối cùng. |
IV. Kết cục của việc điều tra
Lời cáo buộc có thể được xác nhận hoặc không xác nhận.
Các nhà điều tra phải cân nhắc cẩn thận tất cả thông tin và chứng cứ thu thập trong thời gian điều tra để xác định liệu lời cáo buộc có được xác nhận hay không.
Lời cáo buộc xâm hại tình dục được xác nhận có nghĩa là dựa trên tất cả các chứng cứ, xâm hại có nhiều khả năng đã xảy ra hơn là không xảy ra.
Lời cáo buộc không được xác nhận không có nghĩa là nhân viên điều tra nghĩ rằng con bạn nói dối. Một hoặc nhiều yếu tố trong số sau đây có thể là lý do dẫn tới lời buộc tội không được xác nhận:
- Con bạn có thể không bị xâm hại.
- Có thể có lời giải thích khác cho hành vi và/hoặc sự tiết lộ của trẻ.
- Lời buộc tội không thể được khẳng định vì bằng chứng không đầy đủ, không nhất quán hay bị tạp nhiễm (ví dụ bị ảnh hưởng bởi một yếu tố khác).
- Trẻ không có khả thăng truyền đạt lại những điều đã xảy ra.
V. Lời kết
Hỗ trợ nhau và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia có kinh nghiệm về xử lý xâm hại tình dục trẻ em có thể giúp bạn và gia đình đối phó với những gì xảy ra và lập kế hoạch cho tương lai.
Nếu được giúp đỡ, con bạn và gia đình có thể vượt qua trải nghiệm xâm hại tình dục. Bạn và gia đình không phải đi hết chặng đường này một mình. Hãy tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ.
Hy vọng bản hướng dẫn này giúp ích được cho bạn bà gia đình. Chúng tôi khuyến khích các bạn chia sẻ tài liệu này tới những người có thể cần đến nó.
Lược dịch từ tài liệu tiếng Anh:
‘Understand child sexual abuse: A guide for parents and caregivers’ 2006
BSNK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét