Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Giúp trẻ bỏ thói quen nhịn tiêu

Có rất nhiều lý do khiến trẻ nhịn đi tiêu. Đó có thể là cảm giác khó chịu từ lần đi cầu phân cứng sau một đợt ốm ngắn, hoặc đơn giản chỉ là nỗi sợ phải bước vào một nhà vệ sinh không mấy sạch sẽ. Đôi khi trẻ mải chơi và tìm cách lờ các cơn mót tiêu, cố nhịn để khỏi phải ngắt quãng trò chơi yêu thích. Một số trẻ chọn cách nhịn tiêu để phản đối việc học ngồi bô.   




Hành vi này có thể dẫn tới táo bón, đi ngoài bị đau và thậm chí khiến phân tắc nghẽn hoàn toàn, trẻ thường xuyên bị són một lượng phân nhỏ ra ngoài. Nếu tình trạng tắc phân kéo dài quá lâu, trực tràng và đại trạng sẽ bị giãn căng, biến dạng và không còn khả năng co bóp đẩy phân ra ngoài. 

Nhịn đi tiêu và chiếc vòng luẩn quẩn 

Ống hậu môn được cấu tạo bằng hai loại cơ thắt, lớp cơ trong và lớp cơ ngoài. Bình thường, các cơ này thắt chặt, giúp đóng khít lỗ hậu môn. Cảm giác mót tiêu thường xuất hiện 1-2 lần mỗi ngày khi phân di chuyển vào trực tràng trống rỗng và khiến phần ruột này giãn căng.

Lúc đầu, khi phân mới vào trực tràng, cơ thắt trong của hậu môn tự động giãn ra. Khi phân tiến xa hơn, chạm tới cơ thắt ngoài thì cảm giác mót tiêu xuất hiện. Nếu trẻ chủ động giãn cơ thắt ngoài đúng cách, phân sẽ được đẩy ra ngoài. Trái lại, nếu trẻ thít chặt cơ thắt ngoài cũng như các cơ mông lớn, phân sẽ bị đẩy ngược vào trong trực tràng. Lúc này cảm giác mót tiêu sẽ qua đi, phân nằm lại trong ruột và trở nên lớn hơn, khô và rắn hơn, có thể gây đau đớn khi đi vệ sinh. 


Lần tiếp theo, khi xuất hiện cảm giác mót tiêu, bé sẽ nán không vào nhà vệ sinh để tránh bị đau. Bé càng trì hoãn lâu bao nhiêu thì phân trong lần đi tiếp theo sẽ càng rắn bấy nhiêu. Và cuối cùng khi bé ngồi vào bồn cầu, sự việc trở nên thật khủng khiếp, bé rơi nước mắt vì đau! Cứ như vậy, càng về sau bé càng 'quyết tâm' nhịn tiêu hơn. Chiếc vòng luẩn quẩn ‘Khó chịu - sợ hãi - nhịn tiêu’ ngày càng thắt chặt: khó chịu khiến bé sợ hãi, sợ hãi nên bé nhịn tiêu, nhịn tiêu lại gây khó chịu. 





Táo bón kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần có thể dẫn tới hình thành khối phân rắn - rất nhiều phân tích tụ và lèn chặt tại đại tràng, trực tràng. Trẻ càng nhịn đi tiêu lâu thì phân tích tụ càng nhiều, trực tràng càng giãn căng, cảm giác mót đại tiện giảm dần, táo bón ngày càng trở nên trầm trọng. Về sau, phần phân lỏng từ ruột non sẽ luồn lách quanh phần phân cứng để thoát ra ngoài, khiến bé bị són phân ra quần, gây rất nhiều bất tiện.   



Nhận biết trẻ nhịn tiêu

Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết những dấu hiệu của một trẻ nhịn đi tiêu: bé lắc lư uốn éo, đi nhón gót, bắt chéo đùi hay ngồi chồm hỗm. Các tư thế này giúp kéo căng trực tràng và đại tràng dưới, giữ phân ở lại.


Trẻ tìm cách chặn cơn mót tiêu có thể có các biểu hiện:
  • Đột nhiên ngừng mọi hoạt động.
  • Trốn vào một chỗ hoặc đi ra khỏi phòng.
  • Người cứng đơ, dướn căng.
  • Đứng nhón chân, cơ mông thít chặt.
  • Đột nhiên ngồi xuống sàn hoặc ngồi chồm hỗm. 
  • Nhăn mặt hoặc thay đổi giọng nói.
  • Toát mồ hôi hoặc trở nên nhợt nhạt.
  • Không có khả năng chú ý tới bạn.
Hãy hỏi bé đang cảm nhận điều gì và đưa bé vào nhà vệ sinh ngay. 







6 gợi ý giúp phá vỡ "vòng kim cô" 

Nhịn đi tiêu là một rắc rối quan trọng cần được nhận biết sớm và điều trị triệt để. Những biện pháp sau có thể giúp bé ngừng nhịn tiêu và són phân.

1. Giải thích cho bé rõ mục đích của việc đi đại tiện 

Nhắc con rằng nhiệm vụ của bé là đưa phân ra ngoài mỗi ngày. Hãy nói “Nhà máy trong cơ thể con sản sinh phân hàng ngày", và “Bạn phân muốn được ra ngoài mỗi ngày”. Nhấn mạnh đến hai từ 'sản sinh' và 'ra ngoài'. Nếu trẻ lớn hơn và đã biết ghét bị bẩn quần, bạn có thể nói “Nếu con đi ị mỗi ngày và giữ cho ruột trống rỗng thì sẽ chẳng có gì rò gỉ ra ngoài”.

2. Điều trị chứng táo bón bằng thuốc 

Đôi khi thay đổi chế độ ăn là đủ để phá vỡ vòng luẩn quẩn. Tuy nhiên, với một số trẻ, vòng kim cô quá mạnh, chỉ có thể phá vỡ bằng cách dùng thuốc chống táo bón. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp phân đã cứng tới mức gây rách hậu môn.

Phần lớn trẻ nhịn tiêu đều cần đến thuốc làm mềm phân (để đại tiện dễ dàng hơn) hoặc thuốc nhuận tràng (giúp ruột co thắt, đẩy phân về phía trực tràng). Cha mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị của thầy thuốc, không nên ngừng thuốc quá sớm.

3. Để bé chịu hoàn toàn trách nhiệm 

Thường các bé chỉ quyết định đi tiêu sau khi nhận ra rằng mình chẳng còn gì để chống đối. Hãy trò chuyện với con lần cuối về chủ đề này. Nhấn mạnh rằng cơ thể bé sản sinh phân mỗi ngày và phân đó là của bé. Nhắc lại rằng bạn phân muốn đi vào bồn cầu và nhiệm vụ của bé là giúp phân thoát ra ngoài. Nói với con: "Ba mẹ xin lỗi vì đã ép con đi vệ sinh và nhắc con quá nhiều về chuyện này. Từ nay con có thể tự mình làm mọi việc, không cần đến sự giúp đỡ của ba mẹ nữa". Sau đó tuyệt đối không nhắc gì tới chủ đề đi vệ sinh nữa, hãy giả bộ như bạn chẳng còn lo lắng gì về chuyện này. Khi trẻ không còn nhận được sự quan tâm của người lớn về chuyện không đi tiêu và nhịn tiêu, bé có thể quyết định dùng con bài đi đại tiện để thu hút sự chú ý.

4. Ngừng mọi lời nhắc nhở về việc đi vệ sinh 

Trẻ đủ lớn để biết cảm giác mót ị là gì và biết nhà vệ sinh ở đâu có thể tự quyết định khi nào nên đi vệ sinh. Những lời nhắc nhở của cha mẹ thường được tiếp nhận như sự thúc ép, và thúc ép có thể khiến trẻ phản kháng. Nếu bé đang trong giai đoạn tập ngồi bô, bạn cần tạm ngừng việc luyện tập và tuyệt đối không ép bé đi vệ sinh. Ép buộc sẽ làm tăng sự chống đối của trẻ. Các bé thường muốn đạt thành công theo cách làm của riêng mình.

Không áp dụng nguyên tắc "ngừng nhắc nhở" trong các trường hợp sau:   

- Nếu bé kêu đau bụng, bạn cần giúp con thoát khỏi tình trạng này. Nói với bé: ”Bạn phân muốn ra ngoài, bạn ấy rất cần con giúp đỡ. Vì con nín ị nên bụng mới đay đấy". Cho bé ngồi vào chậu nước ấm để cơ thắt hậu môn được thư giãn. Nếu bé không hợp tác, bạn hãy nói: “Ba mẹ không thể giúp gì con. Con phải giúp chính mình thôi”. Rồi hãy phớt lờ, đừng tỏ ra quan tâm tới hành vi nhịn tiêu của trẻ.  

- Khi thấy trẻ có các biểu hiện nhịn tiêu, bạn đừng vội nói gì, hãy cho bé cơ hội tự đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu bé nhịn tiêu lâu hơn 5 phút, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con. Lúc đầu bạn có thể nói:“Cơ thể con đang nói chuyện với con, bạn ấy muốn gì vậy?”. Nếu cần thì nói thêm: "Bạn phân muốn được ra ngoài và đi vào bồn cầu. Bạn ấy cần con giúp đấy”. Nói với bé rằng ngồi bô có thể cũng rất vui và hỏi xem bé muốn làm gì, chẳng hạn bé có muốn đọc một cuốn truyện yêu thích hay chơi đồ chơi không ? Nếu bé từ chối hợp tác, bạn đừng nói thêm gì nữa và hãy để bé tự quyết định khi nào thì đáp lại tín hiệu của cơ thể.

5. Chọn chiếc bô đẹp mắt và đặt ngay trong phòng chơi của trẻ

Đặt bô trong tầm mắt giúp trẻ nhanh chóng nhớ tới lựa chọn đi đại tiện mỗi khi cảm thấy mót đại tiện. 

6. Cho phép bé quay trở lại dùng tã bỉm khi đi tiêu

Với các bé ở độ tuổi tập ngồi bô, đôi khi quay lại dùng bỉm lại là một cách phá vỡ chiếc vòng luẩn quẩn. Khi không phải ngồi bô, bé cảm thấy thư giãn, căng thẳng biến mất và bé lại đi ngoài bình thường, không phản kháng. Nhưng điều này có thể khiến bé có sự liên tưởng lệch lạc, rằng tã bỉm là tốt còn ngồi bô là xấu. Cha mẹ nên cân nhắc để đưa ra lựa chọn của mình. Nếu điều bạn muốn là con tống được phân ra ngoài, và nếu bé nhất định không chịu ngồi bô, cho bé ị vào tã bìm có thể sẽ tốt hơn để bé nhịn tiêu. Chú ý chỉ cho bé đeo tã khi cần đi tiêu, không để bé đeo bỉm cả ngày. Nên cho bé mặc quần lót rộng rãi để mỗi khi mót ị, bé phải tự đưa ra quyết định ngồi bô hay xin dùng bỉm. Để giúp con có lựa chọn đúng, hãy thưởng bé mỗi khi con quyết định ngồi bô (chẳng hạn đưa con đến hiệu sách, cửa hàng đồ chơi). Nếu con chọn cách dùng bỉm, bạn cũng có thể thưởng cho bé món quà nho nhỏ, chẳng hạn vài chiếc kẹo. 


 Bác sỹ Nhi khoa 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét