Khi quyết định rời nhà nước, tôi có rất nhiều suy nghĩ, trăn trở, không lường hết được những khó khăn, khốc liệt phải gánh chịu trong môi trường tư nhân. Cho đến bây giờ, không chỉ tôi mà cả những lãnh đạo của tôi thời đó đều cho rằng quyết định đó là đúng.
Chỉ sau 2 năm ra tư nhân, không được sự hỗ trợ của bất cứ mạnh thường quân nào, chỉ bằng nguồn kinh phí cá nhân ít ỏi, dựa vào sự năng động trong môi trường tư nhân, tôi đã thực hiện được những gì mình ấp ủ sau gần 10 năm không thể thực hiện được.
Bệnh viện nơi tôi công tác trước đây thuộc nhóm hàng đầu của cả nước. Môi trường làm việc ở đó được coi là hàng “top” so với các bệnh viện công khác trong nước, vậy mà vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ở mức cao. Nhờ thời gian làm việc ở đó, tôi được tiếp xúc với bác sĩ ở các tỉnh đến học, được trực tiếp tham gia điều trị tại nhiều bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào, hiểu được nhiều khó khăn cũng như tâm tư của các bác sĩ và nhân viên y tế.
Tôi đã nhiều lần nói rằng, y khoa Đà Nẵng sẽ phát triển ngang hàng với TP HCM trong chuyên ngành của chúng tôi. Các bác sĩ ở đây khi đi học đều là những người siêng năng, luôn chịu khó, chịu khổ đến mức khó tin. Gần như tất cả những gì họ học được từ các bệnh viện khác trong nước hoặc nước ngoài đều được triển khai áp dụng thành công.
Tại sao lại là Đà Nẵng? Không riêng cá nhân mà những người bạn Nhật của tôi đều có chung suy nghĩ: Lãnh đạo Đà Nẵng quan tâm và đánh giá đúng mức vai trò của y tế. Bản thân tôi (một bác sĩ không chức không quyền) mỗi lần ra mổ chuyển giao công nghệ ở bệnh viện nào của Đà Nẵng cũng đều nhận được sự động viên từ những người lãnh đạo cấp cao của thành phố.
Ở một môi trường như vậy, các bác sĩ có quyền làm việc, có quyền phát huy. Đà Nẵng là nơi thứ ba trong cả nước thực hiện thành công phẫu thuật nội soi cột sống và các phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu khác. Theo tôi được biết, mặc dù thu nhập của các bác sĩ ở đây không cao lắm, sự ưu đãi về kinh tế không nhiều lắm, nhưng rất ít người bỏ bệnh viện công ra đi.
Một bác sĩ ở một tỉnh miền Tây đã thành danh trong chuyên ngành Ngoại Tổng quát, là Trưởng khoa Ngoại. Vì yêu cầu của địa phương phải giải quyết các trường hợp cấp cứu chấn thương sọ não và cột sống mà anh ấy khăn gói lên thành phố học, vì các bác sĩ đàn em không ai có đủ khả năng kinh tế để có thể ở Sài Gòn trong vài tháng.
Sau khi học xong, một bữa anh gọi cho tôi mời xuống bệnh viện tỉnh để mổ 2 ca chấn thương cột sống. Khi trở về Sài Gòn, tôi mới biết rằng toàn bộ tiền xe, tiền ăn uống của tôi khi xuống đó và cả tiền dụng cụ mổ cho bệnh nhân đều là từ tiền túi của anh ấy bỏ ra. Hai bệnh nhân đều là người dân tộc, rất nghèo, bệnh viện lại không hỗ trợ gì cả.
Vài năm sau, tôi nghe tin anh ra ngoài làm một bệnh viện tư, chẳng quan tâm đến bảo hiểm, cũng chẳng làm thủ tục về hưu, nghỉ ngang. Tôi chưa có dịp nói chuyện với anh về chuyện nghỉ của anh. Nhưng người kế nhiệm anh tại bệnh viện tỉnh cho biết anh không thể thuyết phục được lãnh đạo thay đổi quy trình làm việc, triển khai các chương trình y khoa chuyên sâu hơn.
Bây giờ thì cả anh bạn kế nhiệm cho anh cũng có một phòng khám tư nhân lớn tại tỉnh đó. Bệnh nhân nói với tôi cả 2 cơ sở này rất tốt. Tôi tin những gì bệnh nhân nói. Tôi tin những người thầy thuốc đã từng hy sinh cả thời gian, tiền bạc, sự mạo hiểm cho người bệnh sẽ không bao giờ đối xử không tốt với người bệnh của mình, cho dù ở môi trường nào đi nữa.
Gần 30 năm trong nghề, từng làm việc tại nhiều bệnh viện tỉnh ở phía Nam, làm công lập rồi tư nhân, tôi có thể khẳng định rằng nếu ở đâu y đức kém, ở đó quan đức chắc chắn không khá hơn.
Khi đi học ở tuyến trên, cùng với việc học được các kiến thức chuyên môn, các bác sĩ đã tiếp cận được với một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. Ở những cơ sở đó, các quyết định về chuyên môn được tôn trọng. Các bác sĩ được quyền quyết định và được cấp trên chấp thuận khi quyết định đúng. Ngay cả khi quyết định sai, họ được chỉ ra chỗ sai và được hướng dẫn làm như thế nào mới là đúng.
Khi về tuyến dưới, với đặc thù của từng tỉnh, có bác sĩ phát huy được năng lực của mình, có bác sĩ bị gò bó, thậm chí có bác sĩ phải chuyển qua chuyên ngành khác để được yên thân. Khác với các bệnh viện tuyến Trung ương hoặc các trường Đại học, các bệnh viện tỉnh hoặc tuyến thấp hơn bị lệ thuộc vào chính quyền nhiều hơn. Tất cả chức vụ chủ chốt đều do ủy ban hoặc cấp ủy không có chuyên môn y khoa quyết định, từ đó hoạt động chuyên môn cũng bị lệ thuộc theo.
Đồng ý là hiện nay có một số bác sĩ chạy theo tiền, đánh mất nhân cách, hành động vô đạo đức. Tuy nhiên, theo tôi biết thì nếu đã mất nhân cách, nếu đã tìm cách để kiếm tiền thì người ta không ra tư nhân làm việc. Chính môi trường công lập mới là nơi dễ dàng cho việc bóp nặn bệnh nhân để kiếm tiền hơn. Ở đó có quá tải, có quá nhiều quy định phi lí, bất cập, ở đó y hiệu và thương hiệu là thứ không ai coi trọng, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển.
Về vật chất, những người thầy thuốc cần có được một cuộc sống không quá thiếu thốn, để họ có thể yên tâm làm chuyên môn, mà thể hiện y đức. Điều mà các thầy thuốc cần nhất là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, để phát huy khả năng chuyên môn, thể hiện y đức. Họ cần có được một sự tôn trọng nhất định, từ những người được họ chữa trị cũng như từ những người lãnh đạo họ.
Nếu các cấp lãnh đạo không hiểu được điều này thì sẽ còn nhiều làn sóng bác sĩ và nhân viên y tế bỏ bệnh viện công ra đi.
BS.Võ Xuân Sơn (Theo VNE)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét